5 cách đọc báo cáo tài chính sai lầm
Hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy và đầu tư giúp tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều nhóm nhà đầu tư khác nhau, từ những chị nội chợ, những anh kỹ sư, bác sỹ cho đến những CFO, CEO của các tập đoàn lớn. Giúp đỡ được nhiều người, cũng được nhiều người giúp đỡ lại, thấy mình thật may mắn.
Sau khi cho ku Bon yên vị, ngồi vào góc bàn làm việc quen thuộc, nghe một bản nhạc không lời, lướt tin một lượt, thấy nhiều người trao đổi về TTF, cảm xúc dâng chào đã làm tôi nhớ lại câu chuyện về một anh CFO (xin giấu tên) của một tập đoàn đa quốc gia đã thất bại nặng nề khi đầu tư vào mã này năm 2016. Tự nhiên muốn viết một điều gì đó, biết đâu ai đó cần.
“TTF tốt mà, doanh thu và lợi nhuận đang tăng trưởng mạnh, anh nghe mấy anh em bên đó nói là đơn hàng làm không xuể, Vin còn đang mê mẩn, giá này còn rẻ chán, em thấy thế nào?” …. Anh vừa lái xe, vừa thao thao bất tuyệt kể tôi nghe về thành tựu đầu tư của anh, nhìn vẻ hạnh phúc của anh, tôi đoán có lẽ đây là Case thành công nhất trong 3 năm anh đầu tư ở Việt Nam.
“Thấy thế nào ư?” Tôi không giám nói với anh suy nghĩ thực của mình. Bởi với tôi anh là một tiền bối, anh hơn tôi gần một con giáp, anh là CFO của một tập đoàn lớn, anh hơn tôi ti tỉ thứ khác. Và hơn hết tôi không muốn làm anh tụt cảm xúc, thứ cảm xúc đã cướp hết tiền tích góp của anh và bao nhiêu người khác. Sau này, tôi không có dịp gặp lại anh, tôi không biết quyết định im lặng của mình lúc đó là đúng hay sai, xin lỗi anh.
Quá tập trung vào báo cáo thu nhập
Đây là sai lầm phổ biến nhất, chính người anh mà tôi nhắc bên trên, một CFO kỳ cựu, người rất giỏi về con số cũng mắc sai lầm ngớ ngẩn này.
Tôi luôn coi báo cáo thu nhập là báo cáo ít quan trọng nhất trong 3 loại báo cáo tài chính, nó là kết quả của những khoản đầu tư trong quá khứ, nó không thể hiện được nhiều điều về tiềm năng doanh nghiệp, thậm chí nếu để nó một mình, nó trở lên vô nghĩa trong đầu tư.
Nhiều người có vốn kiến thức ổn hơn thì thích sử dụng biên lãi để nói về lợi thế cạnh tranh, dùng tăng trưởng lợi nhuận để nói về tốt hay xấu, vân vân và vân vân …. Tôi xin nói thẳng, tôi đã gặp rất nhiều doanh nghiệp biên lãi cao ngút trời, nhưng không hề có lợi thế cạnh tranh, tôi cũng gặp nhiều doanh nghiệp tăng trưởng nhanh như vũ bão nhưng chỉ mấy năm sau đó họ không thể lên nổi báo cáo tài chính của mình.
Vì sao ư, vì thứ bạn nhìn là thứ ảo nhất trong các thứ ảo, thứ không đáng tin nhất trong tất cả các con số tài chính. Vậy cho nên đừng chỉ chăm chăm vào báo cáo thu nhập, nó chỉ là hệ quả chứ không phải cốt lõi.
Bỏ qua thứ quan trọng nhất trên báo cáo tài chính
Một số có thể phản biện tôi, nhưng thứ quan trọng nhất trên báo cáo tài chính không phải là báo cáo lưu chuyển tiền mà chính là bảng cân đối kế toán. Đáng tiếc thay, hầu hết mọi người đều không đọc nó.
Tôi phải công nhận bảng cân đối kế toán là thứ phức tạp nhất trong các báo cáo tài chính, tôi thường phải mất tới 3 buổi học mới giúp các học viên của mình nắm được bảng cân đối kế toán, trong khi báo cáo lưu chuyển tiền và báo cáo thu nhập, tôi chỉ cần 1 buổi học là done. Chính vì mức độ phức tạp của nó nên phần lớn các nhà đầu tư bỏ qua nó là điều dễ hiểu và đây chính là điểm chết người.
Nếu bạn muốn đánh giá một doanh nghiệp triển vọng thế nào trong tương lai, ban lãnh đạo có đạo đức và tài năng hay không, bạn phải nhìn cách ban lãnh đạo lấy tiền từ đâu và đưa tiền của mình vào những tài sản nào, chính những khoản chi tiền này mới là thứ quyết định tương lai của doanh nghiệp.
Hãy nhớ “những gì có ở hiện tại là sự cố gắng của quá khứ, tương lai thế nào lại phụ thuộc vào những gì làm ở hiện tại”.
Chỉ quan tâm vào các con số tài chính
Đây là sai lầm mà nhiều người phải nếm trải khi đầu tư vào Chiều Xạ An Phú (mã APC), cái tên ám ảnh với nhiều người, trong đó có cả tôi. Có thể nói nếu bạn ngồi lọc doanh nghiệp đầu tư theo bộ tiêu chí tài chính thì tôi chắc chắn APC sẽ lọt thỏm vào bộ lọc của bạn, thậm chí có thể là top đầu, những con số tài chính quá đẹp, quá thuyết phục. Tuy nhiên, ẩn đằng sau những con số đẹp đẽ đó lại là những cái đầu đầy toan tính, đầy nguy hiểm.
Bài học rút ra ở đây “hoa hồng thường có gai và thị trường chỉ sai trong một số trường hợp”, chính vì vậy khi bạn thấy một cơ hội đầu tư quá hấp dẫn dựa vào những con số, đừng mừng vội, hãy bình tĩnh nhìn cả những yếu tố định tính như ban lãnh đạo, cơ cấu cổ đông và tính minh bạch thông tin, những thứ có thể cứu bạn một bàn thua đậm. Câu hỏi “tại sao?” luôn là câu hỏi quan trọng bậc nhất trong đầu tư.
Không chú ý đến đơn vị kiểm toán và ý kiến của kiểm toán viên
Nhiều người không biết kỳ báo cáo nào thì được soát xét/ kiểm toán, không biết xem đơn vị kiểm toán ở đâu, không biết kiểm toán để ý kiến về báo cáo tài chính chỗ nào. Đừng buồn nếu bạn nằm trong số đó, vì 10 người tôi có dịp hỗ trợ, gần như cả 10 đều không biết điều đó.
Nhưng bạn cần nhớ rằng đây là điều vô cùng nguy hiểm. Bởi có những doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ tư vấn của kiểm toán viên, họ làm giả các con số rất hoàn hảo, chúng ta khó có thể thấy những điều bất hợp lý trong những báo cáo như thế.
Kinh nghiệm của tôi lúc này là check đơn vị kiểm toán là ai, cách họ viết ý kiến trên báo cáo kiểm toán. Có những công ty kiểm toán trong danh sách đen của tôi, chỉ cần thấy logo của công ty đó xuất hiện là tôi loại ngay doanh nghiệp do đơn vị đó kiểm toán. Các cụ có câu “rau nào sâu đấy” không sai đâu.
Chỉ đọc báo cáo tài chính hợp nhất
Đây là sai lầm dễ gặp phải của cả những nhà đầu tư kỳ cựu trong nghề. Tại sao ư? Vì nó quá phức tạp và tốn thời gian. Riêng chỉ đọc báo cáo tài chính hợp nhất 10 năm, 20 quý để hiểu doanh nghiệp đã đủ nổ lão rồi, bây giờ bạn phải móc tiếp cái 10 năm 20 quý của công ty mẹ ra nữa, thực sự là một công việc rất dễ làm người ta lười. Nhưng đây lại là điều cực kỳ quan trọng và hé lộ nhiều điều về doanh nghiệp.
Tôi còn nhớ như in có một lần tôi nhìn một doanh nghiệp với ngập tràn tiền mặt trong ngân hàng, nó làm tôi hiếu kỳ và thấy thích thú, biết đâu lại là một cơ hội đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên khi kiểm tra kỹ lại tôi mới biết rằng, số tiền đó là của một công ty con trong cả mớ công ty mà công ty này sở hữu. Một ngày đẹp trời, tỷ lệ sở hữu tại công ty con về dưới 50%, số tiền đó biến mất khỏi bảng cân đối kế toán,…… nghĩ đến đã thấy đau đầu rồi. Hơn ai hết bạn sẽ không muốn mình là cổ đông của công ty này vào lúc đó đâu.
Quay đi quay lại đã hơn 10 giờ đêm, đến lúc phải đi ngủ, còn nhiều điều muốn viết hơn nữa, muốn học hỏi hơn nữa, tuy nhiên xin hẹn ngày khác.
Hy vọng bài viết có ích và xin cảm ơn đã đọc đến dòng cuối cùng này!