Bối cảnh vĩ mô Q3/2021
Có thể nói chúng ta đang trải qua giai đoạn chưa từng có trong lịch sử cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Quá nhiều thứ để viết, để thảo luận và để ghi nhớ. Bài viết này sẽ có rất nhiều những con số gây tranh cãi. Cân nhắc trước khi đọc!
Tăng trưởng GDP quý 3 sẽ âm 6-9%, dấu ấn của lịch sử.
Con số này chắc chắn sẽ gây tranh cãi vì từ thủa mình tập đi đến giờ, chưa khi nào kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm cả, huống hồ lại còn âm 6-9%. Một con số nói chung là khó chấp nhận.
Tuy nhiên, đã là dân chơi hệ số thì không thể phát biểu vu vơ được, mọi thứ đều có cơ sở của nó cả.
Khi bạn dự phóng bất cứ 1 thứ gì đó, bạn đều phải bóc tách vấn đề ra thành nhiều cái nhỏ, sau đó chọn cái trọng yếu mà tập trung phân tích.
GDP được cấu thành lên bởi 4 khu vực: Nông lâm ngư + Công nghiệp + Dịch vụ + Thuế sản phẩm. GDP được công bố hàng quý và muốn dự phóng nó bạn phải bóc tách về con số tháng, không phải cứ ngồi mà kéo model excel trên data history như các chuyên gia định giá mà ra được.
Vậy đâu là thành phần trọng yếu trong 4 cái này? Nhìn hình 1 là ra thôi, đó chính là: Dịch vụ (với 39% GDP), kế đến là Công nghiệp (36% GDP), còn lại là 2 anh cá lòng tong: Nông nghiệp (14%) và Thuế sản phẩm (11%).
Đặc thù của Nông nghiệp là nếu không có thiên tai thì vô cùng là ổn định, tàng tàng tăng trưởng 3-5%, muốn rướn lên cũng chả được. Anh Thuế sản phẩm thì “kí sinh” vào anh GDP, nên anh GDP ở đâu thì em nó đi theo đó –> Loại 2 em này, khỏi quan tâm, như vậy chỉ còn công nghiệp và dịch vụ.
Công nghiệp thì dựa vào chỉ số sản xuất công nghiệp – IIP hàng tháng là ra. Chúng ta có IIP tháng 7 suy giảm -0.35% so với cùng kỳ, tháng 8 mới công bố sáng nay là -7.4%, nhìn hình 2. Tháng 9 theo mình sẽ còn âm nặng hơn vì nền cơ sở năm ngoái khá cao, cứ hào phóng cho bằng tháng 8 là -7.4% đi –> Như vậy cả quý 3 thì sản xuất công nghiệp sẽ giảm quanh quanh 5% là ít.
Đối với khu vực dịch vụ, thì cứ bám theo bán lẻ hàng hoá (chiếm tầm 60-70%). Chỉ số bản lẻ HHDV tăng trưởng -28% trong tháng 7 và -33.7% trong tháng 8, thủng hết cả đáy đã được thiết lập vào Covid đợt đầu năm 2020. Tháng 9 năm ngoái có nền cơ sở cao nên năm nay có tích cực nhất thì cũng -34% là ít –> Như vậy Khu vực dịch vụ dự kiến -20% là còn khiêm tốn.
Như vậy tính theo kiểu mì ăn liền thì: %GDP = 14%*4% + 39%*(-20%) + 36%*(-5%) + 11%*%GDP –> qua cầu đổi dấu: %GDP ~ -10%. Nghe hơi kinh, thôi thì âm 6-9% cho nó an toàn vì số liệu kiểu gì tổng cục thống kê chả làm nó “nhảy nhót” 1 tí.
Như vậy, chúng ta sẽ sớm được chứng kiến 1 thời khắc lịch sử có thể vài chục năm mới gặp lại 1 lần, đó là GDP tăng trưởng âm.
Lạm phát năm 2021 không phải mối lo ngại.
Tương tự như GDP, phân tích Lạm phát mà cứ suốt ngày cầu kéo, rồi chi phí đẩy đến bơm tiền nghe nó lý thuyết lắm. Nó giống như kiểu bạn viết văn tả Kiều mà viết “Kiểu là cô gái đẹp” vậy, rất phí cái đẹp của Kiều. Cứ phải phân rã nhỏ con số “từng đường cong” thì mới nhìn ra được vấn đề.
Có 2 nguyên tắc mà khi dự phóng Lạm Phát phải ghi nhớ như in:
(1) Lạm phát Việt Nam được tính dựa trên CPI mà CPI thì tính toán dựa trên trọng số.
Như vậy, cứ ông nào trọng số lớn + biến động mạnh thì chúng ta tập trung, những ông khác bỏ qua, đừng phân tích, phí thời gian (xem thêm hình 3 để biết trọng số).
Nói thì vô lý, nhưng thực sự chỉ có 2 thứ chi phối lạm phát của Việt Nam năm 2020 là: thực phẩm (tăng 12.3% do giá lợn) và giao thông (giảm 11% do giá xăng). Dĩ nhiên, thịt thì tốn nhiều tiền hơn xăng trong chi tiêu hàng tháng của anh em ta –> Lạm phát Việt Nam 2020 chạm 3.23%. Không có xăng kéo lại thì thủng cả đỉnh chính phủ đặt rồi.
Sang năm 2021 thì mọi thứ đổi khác, thực phẩm tương đối ổn định do giá heo giảm đã bù đắp qua lại các mặt hàng khác tăng giá. Tuy nhiên năm nay lại phát sinh 2 anh: Đầu tiên là anh giao thông tăng 13.6% so với cùng kỳ do giá xăng tăng mạnh trở lại (bạn này chiếm trọng số 9.7% trong rổ CPI), thứ hai là anh nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4.4% do giá thép tăng cao (bạn này trọng số 18.8%) –> Tăng trưởng CPI cùng kỳ cán mốc 2.8% vào tháng 8.
Nhìn vào số liệu hình 4, quan sát thêm diễn biến của giá thép và giá xăng dầu hiện tại so với nền cùng kỳ 2020 ở hình 5 thì thực sự chúng ta chưa có lý do gì để lo ngại về lạm phát năm 2021 cả.
(2) Nguyên tắc thứ 2 là Lạm phát được tính bằng trung bình CPI YoY chứ không phải CPI YoY.
Đơn giản thì bạn có thể hiểu, thay vì chính phủ sẽ lấy tăng trưởng CPI tháng 12 năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 để làm lạm phát năm 2021, họ sẽ lấy trung bình 12 tháng tăng trưởng YoY hàng tháng trong năm để ra con số lạm phát năm, con số sẽ được làm mượt đi nhiều, đó cũng là “mẹo” hay mà nhiều anh phải học.
8 tháng đầu năm trung bình CPI YoY mới chỉ đạt 1.8%, còn cách rất xa con số 4% mà Chính phủ đưa ra. Muốn đạt được con số 4% thì 4 tháng còn lại trong năm 2021 phải đạt CPI YoY tăng 8%/tháng. Để đạt được con số này thì giá xăng, giá heo, giá thép phải tăng phí mã rất rất nhiều, khó như lên giời –> Mình tin CPI sẽ nằm dưới 4% 1 khoảng xa và không có gì phải lo ngại về lạm phát cả.
Với GDP tăng trưởng âm mạnh trong quý 3, lạm phát yên vị duy trì ở dưới mức mục tiêu –> Chẳng có lý do gì để cản chính phủ tiếp tục duy trì 1 chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và thậm chí có thể, biết đâu đó chúng ta sẽ chứng kiến được “vũ khí” mới ở cả 2 mặt trận tài khoá và tiền tệ.
Ban đầu tính viết full cả vĩ mô, tiền tệ, ngân hàng vào trong 1 bài luôn, nhưng bài có vẻ dài rồi, vậy nên xin phép anh em tách ra làm 2 topic. Chủ đề tiếp theo sẽ mổ sẻ: Thanh khoản hệ thống ngân hàng, lãi suất và tỷ giá. Topic thứ 2 hứa hẹn sẽ có những con số gây tranh cãi không hề kém cạnh topic đầu tiên, rất thú vị, chúng ta đang ở thời điểm có khi cả đời chỉ được gặp 1-2 lần!