Cái chúng ta cần là “lãi suất thực”
Hãy tưởng tượng bạn gửi 100 triệu vào ngân hàng (hoặc cho ai đó vay tiền chẳng hạn), cuối năm ngân hàng trả bạn 10 triệu tiền lãi. Bạn dễ dàng tính được lãi suất mà bạn nhận được cho khoản tiền này là 10%. Đây chính là lãi suất danh nghĩa, lãi suất bạn nhìn thấy trên hợp đồng. Phần nhiều mọi người sử dụng cách tính này để đo lường hiệu suất giữa các kênh đầu tư và từ đó đưa ra quyết định đầu tư của mình. Tuy nhiên, đây là cách tính sai lầm.
Đầu tiên, bạn phải tính đến yếu tố lạm phát (bạn có thể hiểu nôm na lạm phát là con số thể hiện mức độ tăng của giá cả các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế). Hãy tưởng tượng, lãi suất bạn thu được là 10%, tức nếu có 10,000 đồng thì bạn được 11,000 đồng vào cuối năm. Tuy nhiên bó rau ngoài chợ trước bạn mua giá 10,000 đồng giờ đã là 12,000 đồng (lạm phát một cách tương đối ở đây là 20%). Bạn mang 11,000 đồng thu được mang đi mua rau, lúc này đã không thể mua nổi bó rau đó nữa. Như vậy thực tế gửi tiền lúc này lãi suất còn không bằng mua bó rau muống vào đầu năm và mang ra bán vào cuối năm.
Thứ đến là rủi ro thanh khoản (tức là khả năng chuyển đổi thành tiền một cách nhanh chóng). Giả sử bạn cho 2 đối tác của mình vay mỗi người 1 tỷ đồng. Một người cầm cố khoản vay đó ở bạn với một mảnh đất có giá thị trường 1.2 tỷ và một người cầm cố một lượng trái phiếu chính phủ có mệnh giá cũng 1.2 tỷ. Nếu mọi thứ khác là như nhau thì lãi suất bạn cho ai vay sẽ cao hơn? Điều này phụ thuộc vào việc nếu có bất chắc, bạn bán cài nào nhanh hơn.
Tiếp theo là rủi ro sai hẹn. Đây là vấn đề mà nhiều người mắc phải khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền, vấn đề này càng trở lên phức tạp trong quãng thời gian Ngân hàng nhà nước áp trần lãi suất huy động. Giả sử BIDV và Bắc Á Bank có cùng một lãi suất huy động đầu vào là 7%. Bạn gửi tiền tại BIDV còn người bạn thân của bạn lại gửi tiền tại Bắc Á Bank. Theo bạn ai sẽ là người có quyết định sáng suất hơn, hay là cả 2 đều như nhau vì nhận cùng một lãi suất?
Cuối cùng là rủi ro kỳ hạn. Các cụ vẫn có câu “đêm dài lắm mộng”, một khoản vay hoặc khoản đầu tư có thời gian càng dài thì bạn càng có nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn, vì thế lãi suất đòi hỏi của bạn cũng phải cao hơn. Trong một số thời điểm điều này có thể không phù hợp, tuy nhiên nó hiếm khi xảy ra, chúng ta sẽ xem xét trong bài viết sau.
Như vậy công thức chuẩn xác nhất để bạn tính được lãi suất thực sẽ là:
Rt = Re – Pe – Lq – Df – Mt
Trong đó:
Re: Lãi suất danh nghĩa.
Rt: Lãi suất thực.
Pe: Phí bù đắp rủi ro lạm phát kỳ vọng.
Lq: Phí bù đắp rủi ro thanh khoản.
Df: Phí bù đắp rủi ro sai hẹn.
Mt: Phí bù đắp rủi ro kỳ hạn.
Một số nguồn dùng cách tính nhanh: Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – Lạm phát
Cách tính này chỉ phù hợp khi bạn mua trái phiếu chính phủ, bởi lúc này những rủi ro như thanh khoản hay sai hẹn hay gần như bằng không. Tuy nhiên khi so sánh cách kênh đầu tư, cách tính này sẽ không phản ánh hết.
Tựu chung lại khi đầu tư, bạn không nên nhìn mỗi lãi suất ghi trên hợp đồng mà thay vào đó phải cố gắng đi ước tính lãi suất thực mà bạn nhận được khi đầu tư vào tài sản đó. Công thức này cũng giúp bạn lý giải được tại sao rủi ro càng cao thì suất sinh lời đòi hỏi càng lớn. Mặt khác bạn cũng hiểu rằng lãi suất thực là một còn số vô cùng quan trọng nhưng tính toán rất phức tạp.
P/s: Hãy liên tưởng công thức trên với quá trình đầu tư chứng khoán của bạn. Doanh nghiệp A có mức P/E (số năm hoàn vốn) là 4 và doanh nghiệp B có mức P/E là 7, hai doanh nghiệp cùng tăng trưởng như nhau. Nhìn một cách tương đối, doanh nghiệp A sẽ rẻ hơn doanh nghiệp B. Nhưng hãy tỉnh táo, đây chỉ là mức P/E danh nghĩa mà thôi. Bạn phải tính P/E thực của mỗi doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng tương tự như khi tính lãi suất thực, P/E thực của những doanh nghiệp cũng không dễ tính toán, nó sẽ phụ thuộc vào những ước tính tương lai, rủi ro thanh khoản, rủi ro sai hẹn. Phần nhiều những rủi ro này đều liên quan đến mô hình kinh doanh và ban lãnh đạo. Chính vì thế nếu ai không hiểu về mô hình kinh doanh hay ban quản lý thì cũng không thể tính được P/E thực một cách chính xác.