Dự báo chu kỳ kinh tế bằng Investment Clock
Trước đây tôi đã từng giới thiệu với các bạn về mô hình kinh điển “Kondratiev Waves”. Bài viết được khá nhiều bạn quan tâm và nghiên cứu, điều đó chứng tỏ không ít nhà đầu tư đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng yếu tố mang tính chu kỳ vào việc đầu tư của mình.
Nhà đầu tư huyền thoại Buffet từng nói “Công việc của chúng tôi chỉ đơn giản là sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”, để làm được điều này thì chắc chắn ngoài khả năng phân tích doanh nghiệp tài ba thì bản thân Buffet cũng phải là người có độ nhạy với chu kỳ rất cao.
Ở Kondratiev Waves chúng ta bắt gặp chu kỳ kinh tế theo từng mùa “Xuân – Hạ – Thu – Đông”, ứng với mỗi mùa là một trạng thái kinh tế khác nhau với muôn vàn gam màu. Ở mô hình Investment Clock thì lại khác, không phải là xuân hạ thu đông nữa mà là múi giờ, từng trạng thái nền kinh tế được ứng với múi giờ, với mỗi múi giờ lại là sự hưng thịnh hay suy tàn của một “sản phẩm đầu tư” khác nhau. Giờ thì chúng ta cùng đi sâu hơn xem nó là gì và tại sao nó đáng để chúng ta chiêm nghiệm.
Cũng tương tự như các mô hình chu kỳ khác, Investment Clock cũng chỉ ra sự phát triển của thị trường vốn, bất động sản hay thị trường tài chính nhưng nó được mô phỏng như là chuyển động của chiếc kim đồng hồ thay vì mô hình Sin, Wave hay các mùa trong năm.
Giai đoạn phát triển bùng nổ sẽ tương ứng với thời gian 9h-12h khi kim chỉ đồng hồ leo lên đến đỉnh.
Giai đoạn giảm tốc tương ứng với khoảng thời gian 12h-3h khi kim đồng hồ bắt đầu trượt xuống.
Giai đoạn suy thoái tương ứng với khoảng thời gian 3h-6h.
Giai đoạn qua đáy và bắt đầu phục hồi tương ứng với 6h-9h.
Giai đoạn bùng nổ được tính trong khoảng 9h-12h, biểu hiện của nó thường là kinh tế tăng trưởng rất nóng, lạm phát ở mức trung bình nhưng có xu hướng đi lên. Nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đều tăng. Lãi suất ngân hàng có tăng nhưng chưa đến đỉnh. Giá bất động sản tăng cao. Thị trường chứng khoán tăng rất cao và có xu hướng tạo đỉnh. Lúc này hoạt động đầu tư dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông.
Giai đoạn giảm tốc được nằm trong khoảng 12h-3h. Lúc này lãi suất bắt đầu tăng lên, dòng tiền chuyển dần ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro để chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn. Giá cả hàng hóa bắt đầu giảm xuống. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm. Nhà Nước bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Thị trường chứng khoán và bất động sản bắt đầu tụt dốc. Tính thanh khoản giảm.
Giai đoạn suy thoái từ 3h-6h. Lúc này lạm phát, lãi suất tăng mạnh. Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm dự trữ ngoại tệ. Thị trường chứng khoán và bất động sản xuống thấp nhất. Giá hàng hóa giảm mạnh. Lợi nhuận các doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản.
Giai đoạn khôi phục từ 6h-9h. Lúc này kinh tế đã qua đáy khủng hoảng. Lãi suất ngân hàng giảm dần, kinh tế dần hồi phục. Thất nghiệp giảm dần. Thị trường chứng khoán tăng trở lại. Giá hàng hóa, bất động sản phục hồi. Lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện.
Và cứ thế vòng quay lặp lại, từng múi giờ thay phiên nhau không ngừng chạy thể hiện những thăng trầm của nền kinh tế, của tâm lý đầu tư. Tôi khá thích ví von chiếc “Pin đồng hồ” trong mô hình này là “dòng vốn trong nền kinh tế” và các “bánh răng” là thế lực của nhà nước. Chỉ là vui thôi, chưa thực sự chuẩn xác về bản chất nhưng nó cũng giải thích được một vài yếu tố phản ánh các yếu tố làm sai lệch chu kỳ kinh tế của chúng ta.
Vậy chúng ta đang đứng ở đâu?
Lý thuyết một hồi dài, cái tựu chung lại duy nhất là trả lời cho câu hỏi: Việt Nam đang ở đâu?. Trước khi trả lời vấn đề này tôi cũng xin nhắc lại với các bạn 2 điều:
1. Tôi từng nói: Dòng vốn trong nền kinh tế giống như chiếc “Pin” trong mô hình kinh tế này, mà các bạn cũng biết rồi đấy, Pin đồng hồ của Việt Nam mình thì lúc nhiều điện, lúc thiếu điện, lúc chả có điện luôn, …… Dung lượng của Pin thay đổi liên tục, hậu quả là đồng hồ thế nào chắc các bạn cũng biết.
2. Tương tự với “bánh răng”, người tạo cơ chế và điều chỉnh nhịp điệu của các bánh răng là chính phủ, mà các bạn cũng biết là chính phủ của ta thì setup và activate thế nào rồi.
—–> Vì thế mong các bạn đừng hỏi vì sao Investment Clock và cả các thuyết chu kỳ khác đều loạn chưởng ở Việt Nam. Việc xác định “khung giờ” tại các quốc gia phát triển đã khó, ở Việt Nam việc đó còn khó khăn gấp nhiều.
Tuy nhiên với những gì đang thể hiện trong nền kinh tế trong và ngoài nước như: Lãi suất ngân hàng giảm dần, kinh tế dần hồi phục tuy còn chậm và ẩn chứa nhiều rủi ro, thất nghiệp ổn định dần, thị trường chứng khoán tăng trở lại, Lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, bất động sản cũng đang cho dấu hiệu về một mức đáy tù —–> Chúng ta có thể dự đoán nền kinh tế của chúng ta đang ở mốc 6.15p – 6h45p. Đây là giai đoạn rất đẹp để các bạn trẻ tích lũy tài sản và tính chuyện làm giàu!