Fixed income securities
Thời gian này để phục vụ công việc thì mình có tìm hiểu sâu hơn về Fixed Income. Hôm nay note một số thuật ngữ và nguồn dữ liệu về để tiện tìm lại khi cần đến.
– Fixed income securities (FI): Chứng khoán có thu nhập cố định. Từ “fixed – cố định” dường như đã lỗi thời vì giờ thị trường FI không chỉ có trái phiếu coupon mà đã có rất nhiều loại chứng khoán khác như: Floating-rate (Trái phiếu có lãi suất thả nổi, ví dụ như TIPS – trái phiếu bù lạm phát), Zero coupon, CDO (Collateralized Debt Obligation – Nghĩa vụ nợ thế chấp), Commercial paper (thương phiếu), ….. Một số tổ chức quốc tế như BIS, IMF, ADB gộp thêm vào một số sản phẩm phái sinh liên quan đến trái phiếu như hợp đồng kỳ hạn (forward/futures), hợp đồng mua bán lại (repo), hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swap – CDS). Tuy nhiên trái phiếu vẫn chiếm chủ đạo trong thị trường FI.
– Bills, Notes, Bonds: Ở Việt Nam thì chỉ có tín phiếu là < 1 năm, > 1 năm thì gọi hết là trái phiếu. Quốc tế thì phân ra Bills < 1 năm, Notes là từ 1-10 năm, Bonds > 10 năm. Chữ T trong T-Bills hay T-Notes mà mọi người thường thấy khi đọc báo là viết tắt của chữ Treasury (Kho bạc), đây là trái phiếu chính phủ phát hành.
– Clean price, Dirty price: Nếu bạn mua một trái phiếu ở giữa kỳ thanh toán coupon, lúc này bạn sẽ được hưởng lãi trong kỳ thanh toán kế tiếp, người bán không được hưởng khoản lãi này trong khi họ đã nắm giữ cả nửa kỳ. Chình vì thế giá thực tế giao dịch (Dirty price – Giá bẩn) sẽ khác với giá thể hiện trên bảng giá (Clean price – Giá sạch), khoảng khác biệt này chính là phần tiền lãi (Accrued interest – Lãi tích tụ) mà bạn phải trả thêm cho người bán để bù lại khoảng thời gian họ đã nắm giữ trước khi bán cho bạn. Như vậy bạn có thể hiểu: Giá bẩn (giá thực tế) = Giá sạch (giá trên bảng) + Lãi tích tụ. Đó cũng chính là lý do tại sao quy tắc thanh toán của trái phiếu lại được gọi là: “Mua sạch, thanh toán bẩn”.
– Face value / Par value: Số tiền vốn gốc được nhận khi đáo hạn được gọi là mệnh giá trái phiếu hay giá danh nghĩa.
– Rate, Yield: Chúng ta cần phân biệt 2 khái niệm này, Rate là lãi suất còn Yield là lợi suất. Đối với trái phiếu thì Rate chính là Coupon Rate ghi trên cuống phiếu còn Yield chính là YTM (Yield to marturity – lợi suất đáo hạn, là lãi suất mà thị trường đòi hỏi đối với một trái phiếu khi nắm giữ, nó cũng chính là suất triết khấu khi định giá trái phiếu). Mình có bài viết chi tiết hơn về Rate và Yield tại đây.
– Maturity/Tenor: Thời gian đáo hạn. Mặc dù hai thuật ngữ này thường được dùng tương đương nhau, nhưng người ta hay sử dụng Maturity khi nói về môt thời điểm cụ thể (vd 1/1/2020) còn Tenor về khoảng thời gian còn lại (vd 5.5 năm)
– Yield curve: Đường cong lợi suất. Nếu bạn nối các lợi suất (yield) với nhau của cùng 1 trái phiếu có thời gian đáo hạn khác nhau, đó chính là đường cong lợi suất. Đây là đường cong lợi hại bậc nhất trong kinh tế học. Đàn ông Việt Nam chắc biết đến Ngoc Trinh Curve nhiều hơn Yield curve.
– Risk premium: Phần bù rủi ro của 1 trái phiếu. Khi mua một trái phiếu, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến những premium sau: Inflation premium (Phần bù rủi ro lạm phát), Interest rate premium (Phần bù rủi ro lãi suất, thời hạn càng dài rủi ro biến động lãi suất càng lớn), Default premium (Phần bù rủi ro phá sản), Taxbility premium (Phần bù thuế), Liquidity premium (Phần bù thanh khoản).
– Municipal / government / corporation bonds: Trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành – municipal bonds, chính phủ – government bonds, công ty – corporation bonds. Tùy theo kỳ hạn mà chúng ta có thể dùng bill, note hay bond cho chính xác.
– Bearer / registered bonds: Trái phiếu vô danh có coupon để lãnh lãi gọi là Bearer bonds – tức là ai giữ nó đương nhiên là chủ sở hữu nó. Ngày nay phần lớn trái phiếu đều có ghi tên người mua ký danh nên gọi là Registered bonds.
– Bellwether Bond: Trái phiếu “đầu đàn”, trái phiếu có kỳ hạn dài nhất mà kho bạc phát hành.
Một số nguồn dữ liệu về thị trường trái phiếu Việt Nam:
– Chỉ số giá trái phiếu: https://hnx.vn/trai-phieu/du-lieu-chi-so-trai-phieu.html
– Thông kế quy mô niêm yết: https://hnx.vn/vi-vn/trai-phieu/duong-cong-loi-suat.html?site=in
– Đầy đủ từ Đường cong lợi suất, cấu trúc, thanh khoản của trái phiếu Việt Nam: https://asianbondsonline.adb.org/economy/?economy=VN