GDP US -0.3%
Số liệu kinh tế được đo lường và công bố bị ràng buộc bởi rất nhiều yếu tố, chính vì thế "nhiễu" trong ngắn hạn sẽ là điều thường thấy. Cái mấu chốt là phải nhìn xa hơn thay vì một kỳ báo cáo.
DP Growth Rate Q1 của Mỹ ghi nhận -0.3%, con số âm đầu tiên kể từ lần ghi nhận gần nhất -1% vào Q2.2022. Con số này trở lên tranh cãi nhiều hơn vì đây là quý đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cùng với một loạt các chính sách có phần "độc đoán" mình. Sự lo sợ về suy thoái kinh tế lại tăng vọt chỉ sau 1 đêm.
Để hiểu được bản chất và từ đó phân tích vấn đề chúng ta cần hiểu cách thức Mỹ tính toán và công bố chỉ số này, nó rất khác với Việt Nam.
GDP Growth Rate của Mỹ viết đầy đủ phải là Real GDP Seasonally Adjusted Annual Rate - Adv. Cái tên này có 3 yếu tố cần nắm bắt:
(1) Real GDP: là con số GDP "thực" đã khử lạm phát, cái này khá cơ bản rồi. Nếu không khử lạm phát thì GDP của Mỹ đã dương 0.85% QoQ.
(2) Seasonally Adjusted Annual Rate (SAAR): là cách tính tăng trưởng GDP đã loại bỏ các yếu tố mùa vụ (như ngày lễ, thời tiết,...) để phản ánh chính xác hơn sức khỏe thực sự của nền kinh tế. Nó lấy mức tăng trưởng của một quý, điều chỉnh để loại bỏ các biến động mùa vụ, rồi quy đổi ra tốc độ tăng trưởng nếu duy trì đều đặn như vậy trong cả năm.
Chúng ta có thể tính nhẩm nhanh bằng cách tính QoQ của con số đã loại bỏ yếu tố mùa vụ sau đó mũ 4 lên sẽ ra con số gần đúng với SAAR. Dĩ nhiên đây là tính nhanh sẽ có sai lệch một chút, nhưng không đáng kể.
Ưu điểm của SAAR là dễ dàng so sánh kết quả giữa các quý mà không bị yếu tố thời vụ làm méo mó. Nếu không loại bỏ mùa vụ thì các kiểu dữ liệu tăng trưởng so với kỳ trước gần như không dùng được. Chẳng hạn như Việt Nam, có mấy ai dùng GDP, IIP, Retail QoQ đâu, vì dùng là phân tích sẽ bị sai lệch.
Nhược điểm của SAAR là nó sẽ khuếch đại con số biến động lên. Nhiều bạn có hỏi là tại sao Mỹ công bố con số tăng trưởng QoQ mà tới 2.5%, cao hơn cả Việt Nam, sao tăng trưởng ác thế, thực ra nó ^4 lên đấy. Còn một nhược điểm nữa của SAAR là nó quá phức tạp để tính chính xác, đặc biệt trong kỷ nguyên TUNA như hiện nay.
Các nước phương tây thì có xu hướng ưa thích Seasonally Adjusted, còn các nước phương đông như Việt Nam, Trung Quốc thì vẫn trung thành với truyền thống, có sao sài vậy. Thậm chí ông anh Trung Quốc còn không công bố nhiều số liệu 2 tháng "ăn chơi" đầu năm.
(3) Adv: Mỹ công bố số liệu GDP rất trễ và rườm rà so với quốc tế. Con số đầu tiên là GDP Adv, đây là con số ước tính đầu tiên được BEA công bố. Adv được công bố trễ 1 tháng so với thời điểm kết thúc Quý. Khoảng 1 tháng sau BEA sẽ công bố GDP 2nd Est, tạm gọi là ước tính lần hai. Và khoảng 1 tháng sau nữa sẽ công bố con số chính thức, GDP Final. Như vậy là cuối quý này thì mới có con số chính thức của quý trước đó.
Việt Nam mình thì ngày 6 hàng tháng đã công bố con số Adv rồi. Châu Âu thì cũng tầm 6-7 ngày sau quý là công bố. Trung Quốc thì tầm 2 tuần là công bố. Tuy nhiên để có con số Final của Việt Nam thì phải đợi 5 năm.
Tựu chung lại GDP Growth Rate công bố -0.3% là con số đã bị khuếch đại và đây mới chỉ là số Adv, con số 2nd Est/Final dự kiến sẽ khác con số này khá nhiều. Không ít quan điểm đang cho rằng những con số này sẽ ít tiêu cực hơn. Lý do là vì ..... Hãy đọc tiếp.
Chắc chắn anh em học khối kinh tế/ tài chính không còn lạ với công thức GDP = C + I + G + (X-M). Mô hình kinh điển trong bộ môn kinh tế vĩ mô.
Xu hướng né thuế đã kích nhập khẩu (M) của Mỹ tăng mạnh trong quý 1. Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh này trước mắt sẽ được lưu về dưới dạng chi đầu tư của tư nhân (I) vào hàng tồn kho hoặc tài sản thiết bị. Sau đó chuyển dần tăng tăng chi tiêu hộ gia đình (C) hoặc tăng chi tiêu chính phủ (G) hoặc cả hai. Hay nói cách khác thì nhập khẩu tăng về nguyên lý sẽ không làm giảm GDP. Lý do là vì các nhân tố khác sẽ tăng tương ứng với lượng tăng của M.
Tuy nhiên đó là lý thuyết. Thực tế thì sẽ luôn có con số vênh trong ước tính số liệu của các khu vực này. Dẫn đến trong thời kỳ biến động như quý 1 vừa qua thì Xuất nhập khẩu ròng được ghi nhận rất nhanh nhưng các số liệu về chi tiêu tại các khu vực sẽ có độ trễ hơn.
Tại sao lại có độ vênh như vậy. Bởi lý thuyết thì cho rằng các con số được thống kê cái bụp tại cùng 1 thời điểm, thực tế thì các bộ ban ngành đâu làm nổi điều đó. Vậy nên mới phải đẻ ra: Adv, 2nd Est, Final.
Bóc tách GDP Q1 vừa qua thì M tăng mạnh được chảy chủ yếu vào I (máy móc, thiết bị), trong khi các nhân tố khác như C, G, X tăng rất chậm, thậm chi âm. Như vậy chính xác hơn phải là doanh nghiệp Mỹ đẩy nhập hàng chạy né thuế chứ không phải người dân Mỹ đẩy mạnh chi tiêu để né thuế như trước giờ số đông suy nghĩ.
Một điều thú vị nữa khi nhìn con số tăng trưởng -1.4% của G trong những quý vừa qua. Không thể phủ nhận Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của Elon Musk đã phát huy tốt vai trò tiết giảm chi tiêu của chính phủ. Nhưng thành phần làm giảm G nhiều nhất lại đến từ chi tiêu quốc phòng, quý này ghi nhận -8% so với mức tăng trưởng bình quân 6-7%.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích diễn giải khoa học tại sao: Tăng trưởng GDP Quý 1 của Mỹ trông "yếu" một cách giả tạo và tương tự như vậy tăng trưởng GDP Quý 2 công bố nhiều khả năng sẽ "mạnh mẽ" một cách giả tạo. Cụ thể một chút thì lo ngại Mỹ suy thoái lúc này là chưa có cơ sở vững chắc.
Số liệu kinh tế tài chính được đo lường và công bố bị ràng buộc bởi rất nhiều yếu tố, chính vì thế những kiểu "nhiễu" trong ngắn hạn sẽ là điều thường thấy. Cái mấu chốt là phải nhìn xa hơn thay vì một vài kỳ báo cáo!