HAG – Những “điềm xấu” mới chỉ bắt đầu
Gần 700 tỷ lợi nhuận bốc hơi sau kiểm toán, hơn 4000 ngàn tỷ khoản phải thu trên báo cáo tài chính không thể thu thập đủ bằng chứng, kiểm toán viên nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn và những phát biểu hùng hồn ngày trước giờ chỉ nhận được là sự im lặng. Đó là những điều cổ đông của HAG phải đón nhận trong mấy ngày qua, chắc hẳn đây là tin không vui chút nào.
Tuy nhiên điều thú vị là khi những “bất ổn” trong báo cáo tài chính của HAG được đưa ra trên báo chí thì giá cổ phiếu HAG và HNG lại tăng trần ngay sau đó. Ngẫm lại, đây là điều không quá khó hiểu khi nhiều nhà đầu tư vẫn nuôi trong mình tư duy “xác chết sống dậy” đối với HAG. Họ kỳ vọng với thông tin xấu vừa rồi, HAG gần như đã đẩy hết những gì xấu xa nhất của mình vào năm 2017 và rằng “cái điều xấu xa” đó là tiền đề tích cực để ban lãnh đạo có dư địa “Cook” ra những con số đẹp hơn trong năm 2018. Suy nghĩ của giới đầu tư, âu cũng thật thú vị.
Mua HAG lúc này, đúng hay sai, cái đó mình xin không bàn luận vì nó còn tùy thuộc vào từng chiến lược đầu tư. Tuy nhiên, nhìn về góc độ kinh doanh và các con số tài chính trong dài hạn, mình xin có một quan điểm rõ ràng: “Những gì xảy ra ở HAGL mới chỉ là bắt đầu”.
Tại sao lại mới chỉ là khởi đầu? vì theo mình HAGL “Take a Big Bath” chưa đủ trong 3 năm qua. Ban lãnh đạo của tập đoàn này cần phải gột rửa rất nhiều mới có thể đi về điểm khởi đầu trước khi họ “quá thông minh về tài chính” với cổ đông của mình. Vậy sự phức tạp mà HAG đang phải trải qua bắt đầu từ đâu?
Bước đi sai lầm đầu tiên mang tên “An Phú”.
Năm 2013, sau 2 năm lợi nhuận sụt giảm không phanh và đứng trước những khó khăn về tài chính. Ban lãnh đạo HAG đã có một quyết định “tái cấu trúc” gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ. Theo đó, Tập đoàn này sẽ dần thoái vốn các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam và đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar. Điều này đồng nghĩa với việc ban lãnh đạo HAG đã biết thừa nhận những sai lầm của mình và quyết tâm làm lại từ đầu. Thật đáng quý, vui thay cho cổ đông HAG khi ấy.
Để thực hiện tham vọng tái cấu trúc để ra, HAG tiến hành mua lại công ty An Phú từ công ty phát triển nhà Hoàng Anh (HAG sở hữu hơn 99% tại công ty này). Sau đó, công ty phát triển nhà Hoàng Anh bán vốn góp trong các công ty con cho An Phú với giá bằng giá trị ghi sổ khoản đầu tư là trên 3000 tỷ đồng. Trong giới tài chính, thuật ngữ dùng để chỉ cách thức tái cấu trúc này là “Spin off”. Hiểu một cách đơn giản là tách mảng kinh doanh nào đó của doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hoặc không phải là hoạt động kinh doanh lõi ra và chuyển vào một công ty hoàn toàn mới. Nếu quá trình chỉ đơn thuần dừng lại ở đây, tức Nhà Hoàng Anh và An Phú chuyển giao qua lại tài sản thì về thực chất trên báo cáo tài chính hợp nhất của HAG sẽ không có gì thay đổi. Kế hoạch tài cấu trúc có cũng như không.
Tuy nhiên, điểm thú vị nằm ở đây. Ban lãnh đạo HAG đã tách An Phú ra khỏi Tập đoàn bằng cách bán cổ phần An Phú cho cổ đông hiện hữu của HAG. Dĩ nhiên hành động này sẽ làm thay đổi ngay lập tức báo cáo tài chính của HAG. Và nếu bán như vậy sẽ rất kén người mua nên HAG đã trả cổ tức tiền mặt đúng bằng số tiền một cổ đông cần chi ra để mua “cổ phần ưu đãi” của An Phú. Vấn đề trở lên phức tạp hơn khi vốn điều lệ của An Phú là 360 tỷ, lấy đâu ra số tiền lên tới hơn 3000 tỷ để mua những dự án khổng lồ mà phát triển nhà Hoàng Anh chuyển sang.
Thật khó tin nhưng sự thật là An Phú lại quay ngược trở lại vay chính HAGL để thanh toán cho các khoản chuyển giao công ty và dự án của mình. Khó tin hơn nữa là tất cả những khoản vay giữa An Phú và HAGL đều được bảo lãnh tín chấp bởi cá nhân chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Và khó tin hơn nữa khi Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh sử dụng toàn bộ số tiền mà An Phú thanh toán để trả cho các khoản nợ hiện tại của HAGL. Và khó tin hơn của hơn nữa là lúc đó ông Đức phát biểu sẽ chỉ để An Phú hoạt động trong 3 năm (kể từ 2014), thực hiện bán các dự án (xây để bán, bán cả dự án…) và sau đó sẽ thực hiện giải tán Công ty An Phú. Nghe mà lùng bùng hết cả đầu óc, tuy nhiên tựu chung lại là tất cả những mớ tài sản vô cùng phức tạp của HAGL sẽ chuyển thành 1 tiểu khoản duy nhất, phải thu về cho vay An Phú.
Đến đây thì không còn là “Spin off”
Những gì HAGL làm giai đoạn 2013 không còn đơn giản chỉ là “Spin off” như báo chí lúc đó viết, thực tế đến bây giờ mọi thứ đã dần hé lộ. Ban lãnh đạo của tập đoàn này đã dùng rất khéo léo cả kỹ thuật SPE (công ty phục vụ mục đích đặc biệt) và kỹ thuật “Spin off” trong thương vụ này để tạo ra một ván bài vô cùng lớn và phức tạp hơn rất nhiều, mang tên: “THROW OUT” A PROBLEM CHILD (Không phải GAME OF THRONES đâu nha các tín đồ phim ảnh).
Để giúp mọi người hiểu hơn về kỹ thuật “Throw out a problem Child”, mình mô phỏng ngắn gọn thế này theo mô hình công ty A và B (tránh nhạy cảm). Công ty A sở hữu một lượng tài sản xấu rất lớn đứng trước nguy cơ phải ghi nhận, để tránh ghi nhận những khoản lỗ khổng lồ công ty A đã thành lập công ty B với mục đích đặc biêt (SPE). Dĩ nhiên công ty B phải là đơn vị độc lập với công ty A về quyền sở hữu, điều này giúp những tài sản tại B sẽ không còn xuất hiện trên BCTC của A. Tiếp theo, công ty A sẽ tài trợ vốn để công ty B mua lại chính những tài sản mà A đã bán cho B. Người sở hữu tài sản xấu lúc này sẽ là công ty B, dĩ nhiên B sẽ chịu trách nhiệm tất cả các khoản vay gắn liền với những tài sản này. Nói cách khác, tất cả những tài sản và những khoản nợ gắn liền với tài sản đó sẽ không còn xuất hiện trên BCTC của A nữa, lúc này chỉ còn một khoản mục duy nhất là “phải thu về cho vay” đối với B, đơn vị sẽ thay họ chịu trách nhiệm về những khoản vay cũ.
Thực tế đây chỉ là một thủ thuật kế toán “chuyển chi phí ở hiện tại vào tương lại” và tất nhiên chi phí ấy sẽ nằm đó và lớn lên dần cùng những chi phí vô hình của việc “cook” báo cáo tài chính. Cổ đông của công ty sử dụng những thủ thuật báo cáo tài chính dạng này sẽ phải trả “cả gốc lẫn lãi” tại một thời điểm trong tương lai. Thời điểm đó xuất hiện khi bản thân ban lãnh đạo của công ty không thể “giải thích rõ ràng” về việc kéo dài những con số phải thu treo trên báo cáo tài chính với kiểm toán và thuế.
Quay trở lại câu chuyện HAGL. Cách đây 5 năm, con số phải thu với nhóm An Phú là 3 ngàn tỷ đồng và ban lãnh đạo khẳng định An Phú sẽ chỉ duy trì hoạt động trong 3 năm là đóng cửa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhóm An Phú vẫn còn đó, vẫn không ngừng gia tăng “hút máu” HAGL khi con số đã vượt 10 ngàn tỷ đồng. Vấn đề đối với cổ đông của HAGL bây giờ không phải ở con số, vấn đề nằm ở chỗ kiểm toán đã “ngoại trừ” 4 ngàn tỷ trong con số 10 ngàn tỷ vì không thể xác minh được khả năng thu hồi. Nếu ông tổng giảm đốc của một “tập đoàn nông nghiệp” với kinh nghiệm nhiều năm làm kiểm toán cáo cấp của Big4 không nghĩ ra được “biện pháp” tốt hơn để “Delay” những con số này thì “quả bom tài chính” tại HAG mới chỉ bắt đầu được kích hỏa.
Vì giới hạn khuôn khổ bài viết nên mình không đi được về những vấn đề khác trên báo cáo tài chính của HAGL. Xin hẹn mổ xẻ tiếp những vấn đề đó trong chủ đề khác. Bài viết là một góc nhìn khách quan, mong cổ đông HAGL thảo luận khách quan chứ đừng ném đá.
P/s: Những kỹ thuật như SPE, Spin off, Throw out a problem Child, Take a Big Bath, … nhắc đến trong bài viết đều đã được mình giảng dạy chi tiết tại khóa đào tạo “Đọc hiểu sâu sắc BCTC” do FinaEdu tổ chức. Những bạn nào không có điều kiện tham gia các khóa học xin comment thảo luận trên này, mình sẽ hỗ trợ hết khả năng có thể.