Hiểu đúng về cách hoạch toán của VEA
Mấy ngày nay nay nhận được khá nhiều câu hỏi về VEA. Tuy nhiên có 2 câu hỏi mình thấy đáng chú ý nhất và lướt qua các thảo luận trên mạng thì thấy quá nhiều người hiểu sai về những vấn dề này, kể cả những người khả năng đọc BCTC đã ổn, chính vì thế mình sẽ viết về 2 câu hỏi này, tránh những hiểu lầm đáng tiếc.
Câu hỏi đầu tiên là tại sao quý 2 vừa rồi lợi nhuận trên BCTC công ty mẹ (BCTC riêng) 6 tháng đầu năm tới 7 ngàn tỷ, báo cáo hợp nhất chỉ vỏn vẹn 3.4 ngàn tỷ, tại sao lại có sự khác biệt tới 3.6 ngàn tỷ?
Mình thấy phần đông các thảo luận đều hướng sự tập trung đổ lỗi cho các công ty con của VEA làm ăn thua lỗ, thực sự điều này là sai hoàn toàn. Các công ty con của VEA vẫn đóng góp lợi nhuận cho VEA, mặc dù không nhiều nhưng không lỗ, không tin các bạn cứ xem phần “lợi ích cổ đông thiểu số” trên báo cáo hợp nhất của 2 năm gần nhất là sẽ rõ.
Vậy sự lệch pha tới 3.6 ngàn tỷ đến từ đâu …? Nó đến từ cách hoạch toán khoản đầu tư tài chính vào các công ty liên kết.
Khoản đầu tư của VEA tại 3 công ty Honda – Toyota – Ford được ghi nhận trên BCTC riêng của công ty mẹ theo phương pháp giá gốc, còn trên BCTC hợp nhất theo phương pháp vốn chủ. Sự khác nhau của 2 phương pháp này là như thế nào mà làm lợi nhuận hợp nhất chỉ bằng 1 nửa so với công ty mẹ?
Đối với phương pháp giá gốc thì giá trị khoản đầu tư của VEA tai 3 công ty sẽ không thay đổi trong suôt quá trình đầu tư và lợi nhuận kinh doanh của các công ty liên kết sẽ không tác động gì tới báo cáo tài chính riêng lẻ của VEA, ngoại trừ cổ tức nhận được khi các công ty liên kết này chia cổ tức hoặc chia lợi nhuận bằng tiền.
Đó chính là lý do tại sao bạn thấy trên báo cáo tài chính riêng của VEA giá trị các khoản đầu tư vào các công ty liên kết luôn là 691.7 tỷ mấy năm vừa qua và trên báo cáo này cũng không có khoản mục lợi nhuận từ liên doanh liên kết. Đơn giản là vì trên BCTC riêng lẻ, giá trị khoản đầu tư sẽ ghi nhận theo giá gốc.
Quý 2 hàng năm, VEA nhận được lượng lợi nhuận được chia bằng tiền hơn 7 ngàn tỷ từ các công ty liên kết (Đầu tư chưa đến 700 tỷ nhưng mỗi năm thu về hơn 7000 tỷ, khủng thật). Lúc này VEA sẽ ghi nhận cục này vào lợi nhuận tài chính. Nếu bạn để ý sẽ thấy cục này chỉ nhận 1 năm 1 lần và vào quý 2 hàng năm, các quý còn lại sẽ không có, chính vì thế lợi nhuận trên BCTC riêng lẻ sẽ rất thấp vào các quý này. Quý 2 nuôi sống cả năm.
Trái lại, báo cáo hợp nhất ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Theo cách ghi nhận này thì giá trị khoản đầu tư của VEA vào các công ty liên kết sẽ thay đổi theo lãi hoặc lỗ của các công ty liên kết. Hay nói cách khác, nếu năm 2018, 3 công ty liên kết có lợi nhuận 20,000 tỷ, VEA cầm 30% các công ty này thì số lợi nhuận từ liên doanh liên kết trên báo cáo hợp nhất sẽ là 6,000 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán, số dư khoản đầu tư vào các công ty liên kết sẽ là số đầu kỳ cộng thêm 6,000 tỷ đồng.
Tuy nhiên lợi nhuận 6,000 tỷ này sẽ được rải ở các quý trong năm tùy vào tình hình lời lỗ của các công ty liên kết ở từng quý. Và bạn cũng hiểu rằng đây là lợi nhuận tạm tính, không bằng tiền, nó chỉ là tiền thật khi các công ty liên kết tiền hành chia cổ tức hoặc lợi nhuận được chia bằng tiền cho VEA. Và khi các công ty này chia cổ tức bằng tiền cho VEA thì giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết trên BCTC hợp nhất sẽ giảm đi tương ứng.
Quý 2/2019, VEA nhận khoảng hơn 7 ngàn tỷ cổ tức từ 3 công ty liên doanh, số tiền này ghi nhận vào lợi nhuận tài chính trên BCTC công ty mẹ và ngay lập tức bạn sẽ thấy khoản đầu tư vào công ty liên kết trên BCTC hợp nhất giảm đi hơn 7 ngàn tỷ tương ứng.
Giờ thì bạn đã hiểu lý do tại sao lại có sự lệch khủng khiếp như vậy ở trên BCTC hợp nhất và riêng lẻ rồi đúng không? Đơn giản là hàng quý báo cáo hợp nhất của VEA sẽ ghi nhận lợi nhuận tại các công ty liên kết luôn quý đó, còn trên báo cáo riêng lẻ sẽ tích lũy cục đó cho đến khi nào nhận được cổ tức hoặc lợi nhuận được chia bằng tiền mặt.
Viễn cảnh quý 3 và quý 4 năm 2019 bạn sẽ thấy lợi nhuận trên báo cáo riêng lẻ lẹt đẹt quanh mức Zero còn lợi nhuận hợp nhất vẫn đều đặn 2-3 ngàn tỷ.
Giờ thì đừng chửi các công ty con của VEA nữa nhé, oan cho họ quá.
Câu hỏi tiếp theo là về vụ khoản phải thu lớn xuất hiện trong quý 2 ở trên BCTC của VEA, có phải VEA đang cố tính ghi nhận lợi nhuận/ tài sản ảo, điều này là rủi ro?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải hiểu: Theo quy định thì doanh nghiệp sẽ ghi nhận cổ tức hoặc lợi nhuận được chia bằng tiền vào lợi nhuận tài chính khi nhận được thông báo về cổ tức sẽ được chia. Tương tự như thế các bạn sẽ thấy nhiều doanh nghiệp có xuất hiện khoản mục lãi dự thu tại các ngân hàng, nghĩa là hàng quý doanh nghiệp sẽ ghi nhận trước khoản tiền lãi có khả năng nhận được vào các quý mặc dù thực tế thì cuối năm ngân hàng mới đưa họ tiền lãi.
Khoản mục này dĩ nhiên là có rủi ro, nhưng nó còn tùy vào từng tình huống. Ví dụ quý 2 vừa rồi VEA ghi nhận phải thu Honda vì Honda đã có quyết định về việc trả cổ tức năm 2018 bằng tiền. Với lượng tiền dồi dào và tỷ sở hữu của VEA tại Honda, thực sự Honda ăn quỵt là điều vô cùng bất khả thi. Mặt khác mối liên doanh này cũng đã kéo dài rất rất nhiều năm, Honda chưa bao giờ làm VEA thất vọng. Không tin à, bạn cứ nhìn lại diễn biến năm 2018 sẽ thấy, cục phải thu đó sẽ được VEA luộc như luộc rau vào quý 3 này. Nói không quá chứ VEA để 10 ngàn tỷ ở Honda mình còn an tâm hơn vác 10 ngàn tỷ đó gửi ngân hàng.
Vậy là Done 2 câu hỏi. Đây là nội dung khó và bạn sẽ gặp phải thường xuyên như cơm bữa. Case VEA chỉ là một góc nhỏ trong những kiến thức cần phải biết khi tìm hiểu một doanh nghiệp có công ty con, công ty liên kết.
Chốt hạ lại thì thú thực mình không hiểu tại sao người ta lại bán VEA mạnh đến thế, nếu ai biết nguyên nhân nào ngoài 2 nguyên nhân trên, xin chỉ giáo. Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều điều phải học.