Lạm phát mục tiêu – Phần 1
Thị trường đang nóng hổi vụ Fed công bố thay đổi cái gọi là “quan điểm về lạm phát mục tiêu”. Mình thấy dường như truyền thông đang làm thái quá vấn đề, bởi với cá nhân mình, bản chất cũng chẳng có gì mới cả. Tại sao mình lại có quan điểm như vậy?
Để hiểu được xuất thân của khái niệm “Lạm phát mục tiêu” bạn cần phải hiểu về khái niệm “cái neo danh nghĩa”. Vậy cái neo danh nghĩa là gì? Hiểu đơn giản thì là thế này.
Mục tiêu cuối cùng của một chính sách tiền tệ là: Tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và việc làm cao. Tuy nhiên những khái niệm này lại rất mông lung và đôi khi gây phức tạp cho người dân và cả cơ quan quản lý khi thực thi.
Chính vì thế cần phải có “1 mục tiêu” đáp ứng được bài toán: Nếu mục tiêu này thỏa thì cả 3 mục tiêu kia về dài hạn đều sẽ thỏa và nó phải đơn giản, dễ hình dung để người dân có thể hiểu được cơ quan quản lý nói gì. Cái mục tiêu mà chúng ta đang nhắc tới chính là “cái neo danh nghĩa”.
Mặt khác, khi một quốc gia xác định rõ “cái neo danh nghĩa” điều hành chính sách tiền tệ là gì, quốc gia đó sẽ không bị mắc bẫy “chính sách tiền tệ tùy nghi” và từ đó hình thành lên một thứ được gọi là “chính sách tiền tệ nhất quán theo thời gian”. Fed muốn được sở hữu từ “nhất quán” đó, không biết bao nhiêu “máu” của người Mỹ đã phải đổ xuống.
Quay trở lại với chủ đề chính, đầu tiên thì người ta chọn “cái neo danh nghĩa” là Tỷ giá hối đoái. Dùng chính tỷ giá để neo lạm phát và từ đó đạt được mục tiêu về dài hạn. Đôi khi hạnh phúc của thống đốc 1 NHTW chỉ đơn giản là neo thành công tỷ giá của nước mình với đồng tiền “vật chủ”, chuyện còn lại thì chỉ là ăn ké “vật chủ”. Quan trọng là người dân cũng chấp nhận điều đó, lý do là bởi họ tin “vật chủ” hơn tin mấy ông chính trị gia trong nước.
Nhưng rồi sự bội ước của “vật chủ” như Đức, Mỹ,… đã làm những quốc gia “theo bóng” như Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý và Anh,… lãnh hậu quả nghiêm trọng trước các cuộc tấn công tiền tệ. Người hạnh phúc nhất lúc đó, có lẽ là George Soros.
Như vậy lấy tỷ giá làm “cái neo danh nghĩa” không “ngon” như người ta tưởng. Mặt khác hình thức neo danh nghĩa này chỉ phù hợp với các nước đang phát triển, còn những nước lớn như Mỹ, Nhật,…. thì không nước nào đủ khả năng làm “vật chủ” cho họ cả. Chính vì thế, sự lựa chọn lúc này là tìm kiếm chiến lược khác để thực thi chính sách tiền tệ. Một trong những chiến lược mà họ có thể lựa chọn là “mục tiêu khối lượng tiền tệ”, hiểu đơn giản là lấy chính “khối tiền” làm “cái neo danh nghĩa”.
Mục tiêu khối lượng tiền tệ được nhiều nước như Đức, Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật, Canada sử dụng từ những năm 1970 sau khi lạm phát trở lên mất kiểm soát tại những quốc gia này. Cơ chế hoạt động của mô hình này đơn giản là các NHTW sẽ công bố định kỳ những con số dự báo về cung tiền (họ lấy MB, M1, M2 hay M3 thì tùy mỗi quốc gia lựa chọn, không giống nhau). Hiểu nôm na thì nó giống như một cam kết về kiểm soát cung tiền từ NHTW đến người dân hàng quý/ năm vậy.
Để thực hiện cam kết của mình, các NHTW sẽ sử dụng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng làm mục tiêu tác nghiệp hàng ngày để điều tiết cung tiền mục tiêu. Cứ đến cuối quý/ năm, người dân thấy con số gần với con số “mục tiêu” là họ vui, còn không thì họ “xử đẹp” ông Thống Đốc. Niềm vui của Thống Đốc lúc này không phải là ổn định tỷ giá mà là cung tiền tăng đúng với cam kết công bố.
Tuy nhiên, cung tiền chỉ là một trong những yếu tố tác động đến giá cả. Sự thực này được thế hiện khá rõ ở Anh, Thụy Sĩ hay Mỹ khi mối tương quan giữa tổng lượng tiền tệ và mục tiêu lạm phát không có liên kết chặt chẽ. Mặt khác, các NHTW có thể lấy tổng lượng tiền tệ là MB, cũng có thể lấy M1, có thể lấy M2 và cũng có thể lấy cả M3, dân chúng thì không biết được sự khác nhau giữa các khái niệm này. Việc đánh cháo các khái niệm dễ như “hút cần”. Chính vì thế việc các NHTW “chơi trò chơi với những con số” đã làm “cái neo danh nghĩa” này trở lên thiếu tính minh bạch và bị coi là thất bại.
Khi mục tiêu tổng lượng tiền tệ không phát huy hiệu quả, các quốc gia lớn đã dần chuyển sang một cái neo danh nghĩa mới, đó chính là “mục tiêu lạm phát”. Thứ mà đến giờ này cộng đồng mạnh đang xôn xao bàn tán sau khi Chủ tịch Fed – Jerome Powell mới sáng tạo ra cái gọi là “mục tiêu lạm phát trung bình giai đoạn”. Vậy mục tiêu lạm phát là gì và 2 “cái neo danh nghĩa” này khác nhau thế nào, có gì mới mẻ không và vấn đề chúng ta cần “xử lý” là gì thì mình xin đề cập tiếp trong phần 2. Còn phần 1 xin kết thúc tại đây, mục tiêu của phần 1 là giúp mọi người xác định được rằng “lạm phát mục tiêu” cũng chỉ là 1 “cái neo danh nghĩa”!