NHỮNG CÔNG CỤ ĐẶC BIỆT CỦA FED
Trong một nền kinh tế vận hành bình thường, chủ yếu các Ngân hàng trung ương (NHTW) điều hành chính sách tiền tệ của mình thông qua việc điều phối cung tiền trên thị trường mở (OMO) và từ đó đảm bảo lãi suất thị trường gần với lãi suất cơ bản (mục tiêu) mà mình mong muốn. Với Fed nhiệm vụ đó chính là Effective Federal Funds Rate (lãi suất hiệu lực) nằm trong vùng Fed Fund Rate Target (lãi suất mục tiêu) mà Fed công bố ra thị trường.
Tuy nhiên lãi suất mục tiêu mà các NHTW công bố thường là lãi suất ngắn hạn, trong đó hầu hết đều là các lãi suất qua đêm. Để bảo vệ mức lãi suất này, các NHTW sẽ mua/bán các loại trái phiếu chính phủ ngắn hạn (thường là kỳ hạn 1-3 tháng) vì lợi suất của các loại trái phiếu này phản ánh chính xác nhất lãi suất ngắn hạn mà NHTW muốn bảo vệ.
Với chính sách tiền tệ ngươc chu kỳ, nếu nền kinh tế suy yếu, FED sẽ giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn để tạo nguồn vốn mới cho sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn. Tương tự như vậy, nếu nền kinh tế đang tăng trưởng nóng, FED có thể tăng lãi suất để làm giảm tổng cầu và hạn chế áp lực lạm phát.
Với phương pháp tiếp cận như trên, khi suy thoái là viễn cảnh trước mắt, Fed sẽ tìm cách cắt giảm lãi suất ngắn hạn một cách nhanh chóng. Nhưng khi lãi suất đã về đến mức 0%, tỷ lệ lãi suất ngắn hạn không thể cắt giảm hơn nữa (Fed không muốn duy trì chính sách lãi suất âm); do đó, công cụ chính sách truyền thống để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế bị vô hiệu, hiện tượng này còn được biết đến với cái tên “Liquidity Trap”. Tuy nhiên nền kinh tế và thị trường tài chính thì thật sự vẫn cần sự hỗ trợ nhiều hơn. Do đó, câu hỏi đặt ra là trong tình huống này là FED sẽ phải làm gì?
Năm 1999, Krugman đã chỉ ra rằng đối mặt với tình trạng liquidity trap này NHTW phải: mua trái phiếu dài hạn hoặc can thiệp vào thị trường ngoại tệ (mua vào ngoại tệ). Như vậy thay vì can thiệp vào lãi suất ngắn hạn, FED tìm cách tác động đến lãi suất dài hạn hơn, nơi mà mặt bằng lãi suất vẫn đang cao hơn 0%. Việc giảm lãi suất dài hạn sẽ làm giảm kỳ vọng lãi suất ngắn hạn trong tương lai từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm bằng cách hạ thấp chi phí vay hoặc tài trợ cho các khoản đầu tư vốn.
Nhưng thực tế những gì diễn ra ở cả Nhật và Mỹ đã chứng minh tín dụng trong giai đoạn đầu vẫn tiếp tục giảm hoặc không cải thiện. Lý do là vì hệ thống ngân hàng lúc này đang chứa quá nhiều tài sản xấu và với tâm thế phòng thủ cho chính mình các ngân hàng sẽ giữ tiền trong két và không cho vay. Vốn dư thừa ở trong hệ thống nhưng lại không đến được tay các tổ chức thực sự cần vốn. Lúc này Fed bị mắc vào cái bẫy “Credit Crunch” (suy kiệt tín dụng). Vậy làm sao để Fed xử lý bài toán này?
Lúc này Fed mở rộng ra mua tài sản đã được chứng khoán hóa trên thị trường. Những tài sản rủi ro này thay vì nằm tại các ngân hàng sẽ được chuyển dần về nằm trong bảng cân đối của Fed, đổi lại là các ngân hàng sẽ có tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ. Như vậy vừa mua trái phiếu dài hạn, vừa mua những tài sản này sẽ giúp Fed giải được bài toán “rửa bớt” nợ xấu trong hệ thống từ đó khơi thông niềm tin. Đây chính là chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing – QE) mà chúng ta vẫn thường nhắc đến.
Nhưng vấn đề chưa kết thúc tại đây, mỗi khi thanh khoản trở lên cẳng thẳng, ngoài thị trường tiền tệ truyền thống, Mỹ còn phải giải quyết vấn đề xảy ra ở 2 chỗ nữa. Đó là thị trường Commercial Papers và thị trường Eurodollar. Năm 2009 bảng cân đối của Fed đã phải gánh tới cả ngàn tỷ USD, số tài sản này bằng một nửa tổng số tài sản mà Fed đã mua trong cả 3 gói QE của mình.
Ngày 07/10/2008, Fed tuyên bố một công cụ mới gọi là Commercial Paper Funding Facility (CPFF) với chức năng cung cấp vốn cho một quĩ đặc biệt để quĩ này mua lại các Commercial Papers (CP). Về bản chất Fed đã chính thức tham gia vào thị trường CP, thị trường tiền tệ thứ hai song song với thị trường tiền tệ ngân hàng. Vậy tại sao thị trường CP lại quan trọng đến mức Fed phải ra tay cứu?
Trong kinh doanh, tất cả các công ty đều cần một lượng vốn lưu động nhất định để “bôi trơn” hoạt động hàng ngày. Bình thường các công ty sẽ mở hạn mức tín dụng tại các ngân hàng và sử dụng khi cần. Tuy nhiên với những công ty lớn, nhu cầu vốn lưu động hàng ngày là quá lớn so với quy mô một ngân hàng nên việc mở hạn mức tín dụng sẽ phức tạp và tốn nhiều chi phí không cần thiết. Bởi vậy ở Mỹ và những nước phát triển, các công ty lớn thường tham gia trực tiếp vào một thị trường tiền tệ thứ hai là thị trường CP nơi họ có thể vay vốn lưu động ngắn hạn với chi phí thấp hơn.
Khi nền kinh tế vận hành bình thường, thị trường này trở thành miếng mồi béo bở cho các Money Market Mutual Fund (MMF) và các ngân hàng. Nhưng khi kinh tế gặp khó khăn, các thị trường đóng băng, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, thị trường CP cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng. Một loạt quỹ MMF quy mô khổng lồ đứng bên bờ vực thua lỗ kéo theo sự rút vốn ồ ạt khỏi các quỹ này. Điều đáng nói là các quỹ này khác với ngân hàng, MMF không chịu sự quản lý của Fed nên khi gặp khó khăn, các doanh nghiệp này không được tiếp cận hệ thống liên ngân hàng hay cửa sổ cho vay của Fed. Điều này làm cả hệ thống MMF vô cùng dễ tổn thương và nhanh chóng sụp đổ.
Năm 2009 số CP mà Fed đã mua vào để ổn định thị trường lên tới 350 tỷ đô và sau đó rũ sạch số CP này vào tháng 5/2010. Mới đây ngày 17/03/2020, sau gần 10 năm không sử dụng Fed đã công bố sẽ quay trở lại với công cụ CPFF, đây cũng là điều dễ hiểu khi thị trường CP đã bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng cả tháng qua.
Và công cụ cuối cùng mà chúng ta nhắc đến ở trên là Swap lines (hán đổi ngoại tệ) với các NHTW khác, công cụ giúp Fed can thiệp vào thị trường Eurodollar (thị trường USD bên ngoài nước Mỹ). Đây là công cụ thường xuyên của Fed nhưng quy mô chỉ thực sự lớn vào những giai đoạn kinh tế thế giới gặp căng thẳng, chẳng hạn như năm 2008 bảng cân đối kế toán của Fed có tới gần 600 tỷ đô cho nghiệp vụ này, năm 2012 là hơn 100 tỷ usd.
Mới đây ngày 15/03/2020 khi thị trường tiền tệ các nước lớn đều gặp tình trạng căng thẳng thanh khoản đồng USD, Fed đã công bố mở rộng Swap lines với các NHTW lớn. Điều này giúp các NHTW khác có đủ USD để bơm vào nền kinh tế khi cần thiết và bản thân Fed cũng dự trữ đủ một lượng ngoại tệ nhất định để tác động vào nền kinh tế khi cần.
Như vậy chúng ta cũng đã một phần nào đó hiểu về các nhóm công cụ mà Fed thường sử dụng để tác động vào các thị trường khác nhau. Thực tế khi mà những cuộc khủng hoảng ngày càng trở lên phức tạp hơn thì Fed cũng sáng tạo ra những công cụ mới đa dạng hơn và quy mô lớn hơn. Dưới đây là những công cụ Fed đã sử dụng tính đến thời điểm hiện tại để đối phó với Covid-19:
1. Đưa lãi suất Fed Fund Rate Target (lãi suất mục tiêu) về 0 – 0.25% .
2. Tái khởi động QE (nới nỏng định lượng) với không giới hạn quy mô.
3. Hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tất cả các nhóm ngân hàng về 0.
4. Mở Swap lines với các NHTW lớn.
5. Khởi chạy các gói "Liquidity Facilities":
(PDCF) Primary Dealer Credit
(MMLF) Money Market Mutual Fund Liquidity
(CPFF) Commercial Paper Funding
(MSBLP) Main Street Business Lending
(PMCCF) Primary Market Corp Credit
(SMCCF) Secondary Market Corp Credit
(TALF 3) Term Asset-Backed Securities
Fed đang sử dụng những công cụ rất phi thị trường, rất xã hội chủ nghĩa. Một số người cho rằng: Fed lên mua cả cổ phần doanh nghiệp cho nó đủ bộ.