Tại sao Fed giảm lãi suất thì chứng khoán "Băng hà"
Hôm trước có anh hỏi "đợt giảm lãi suất của Fed những lần trước thường bắt đầu chuỗi giảm mạnh của thị trường. Vậy Báu có thể lý giải giùm mình đc ko và lần này thì thế nào?”…..
Mình vẫn luôn nói về mô hình Giá tài sản tài chính và bây giờ thì mô hình này sẽ giải thích rất dễ hiểu cho hiện tượng mà mọi người thường thấy “Đầu chu kỳ Fed giảm lãi suất thì chứng khoán sẽ băng hà”. Dĩ nhiên nó cũng xử lý tốt cho việc xây dựng kích bản ứng phó khi kinh tế Mỹ hạ cánh “mềm” hoặc đen hơn là “cứng”.
Trong mô hình giá tài sản tài chính thì biến động (ký hiệu sẽ là Δ) của giá tài sản tài chính sẽ phụ thuộc vào: Δ Lợi nhuận, Δ Quy mô tiền và Δ Lãi suất. Trong đó đà tăng của Lợi nhuận và Quy mô tiền sẽ tỷ lệ thuận và Lãi suất sẽ tỷ lệ nghịch với đà tăng của giá tài sản tài chính. Hay nói cách khác thì Khả năng sinh lời càng cao và Mức đó giàu có càng nhiều thì giá tài sản tài chính sẽ càng tăng giá, ngược lại thì Lãi suất (chi phí sử dụng vốn) càng cao thì giá tài sản tài chính sẽ càng chịu áp lực giảm. Anh chị nào thấy lùng bùng thì xem lại clip mình trình bày rất chi tiết về mô hình này trong phần comment, còn giờ thì đi tiếp.
Hiện tại kinh tễ Mỹ suy giảm là điều đã rõ như ban ngày, tuy nhiên câu hỏi ăn tiền lúc này là hạ cánh mềm (vẫn tăng trưởng dương nhưng yếu đi so với mức tiềm năng) hay là hạ cánh cứng (tăng trưởng âm, suy thoái) thì mới là chìa khoá. Hiện tại mọi khẳng định lúc này đều vẫn chỉ là “đoán mò” vì thực sự số liệu kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung từ sau Covid và bùng nổ AI đều bị đảo lộn hết cả. Những tín hiệu được coi là “vua báo hiệu” ngày trước như: unemployment rate, Cesi, Sahm Rule, inverted yield curve,… đều có thể sẽ bị vô hiệu hoá vào những lúc chuyển giao về công nghệ hay nhân khẩu học toàn cầu.
Trên quan điểm cá nhân, nếu phải đưa ra xác xuất thì mình nghiêng nhiều hơn về “hạ cánh cứng”. Giới hạn bài viết nên mình sẽ chỉ tập trung vào 1 tình huống: Fed phải giảm lãi suất vì kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng. Nếu vậy thì chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi “rớt thảm” trong ngắn hạn. Giờ thì cứ bóc từng yếu tố một trong mô hình giá tài sản là giải thích được:
1️⃣ Δ Lợi nhuận (Suy giảm)
Chúng ta chứng kiến một GDP quý 2 ấn tượng, nhưng bóc tách sâu vào thì chủ yếu là của 2 khối Sản xuất FDI và Xuất khẩu. Lợi nhuận quý 2 tăng vượt dự báo của hầu hết các tổ chức nghiên cứu, nhưng đào sâu cấu phần đóng góp thì chủ yếu lại đến từ Bank (câu chuyện thay đổi chính sách ngành) và những khoản lợi nhuận khác ghi nhận một lần (xoá nợ, thanh lý dự án/tài sản),…. Tổng thể thì đồng ý là phục hồi nhưng sự phục hồi vẫn còn mong manh và phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài chứ không hẳn sức mạnh nội tại bên trong. Anh em sản xuất và dịch vụ Việt Nam vẫn đói lắm.
Nếu động lực phục hồi gần đây đến từ bên ngoài mà bây giờ các nên kinh tế lớn lại bị lún sâu vào suy giảm/suy thoái thì thực sự muốn tăng trưởng tiếp là điều quá khó. Hay nói cách khác là nếu Mỹ suy thoái và kéo theo tụi đang vật vờ như EU, China, Japan,… rụng theo thì triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp Việt sẽ khó tránh khỏi “suy giảm”.
2️⃣ Δ Quy mô tiền (Giảm sốc)
Nếu Mỹ hạ cánh cứng, sẽ có 2 hiện tượng tiêu cực xảy ra làm tiền trở lên khan hiếm trong ngắn hạn:
Một là, tỷ giá USDVND sẽ tăng phi mã trong thời gian rất ngắn bởi dòng vốn sẽ dịch chuyển rất mạnh khỏi các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng này sẽ cần phải có sự can thiệp nhất định trong ngắn hạn từ SBV và hành động này kiểu gì cũng tác động đến thanh khoản hệ thống và quy mô tiền trong nền kinh tế.
Hai là, khi có những rung chuyển kinh tế toàn cầu thì tâm lý cơ bản ở thị trường tài chính là “phòng thủ”. Bank sẽ hạn chế giải ngân cho vay, các quỹ có xu hướng tập trung về các tài sản an toàn và bán nhanh các tài sản rủi ro, luân chuyển tiền trong nền kinh tế giảm sốc bởi lúc này “cash is king”. Hậu quả của một loạt hành động này là “hệ số nhân tiền” sẽ giảm sốc và gây áp lực nhanh chóng đến “mức độ giàu có” của người dần và các tổ chức kinh tế.
3️⃣ Δ Lãi suất (giảm)
Yếu tố cuối cùng và cũng là yếu tố đang “kích thích” chứng khoán toàn cầu những ngày gần đây đó chính là lãi suất giảm. Tuy nhiên, thực tế là khởi đầu của hạ cánh cứng thì tác động của lãi suất giảm đến nền kinh tế và thị trường tài chính là rất hạn chế. Bởi lúc kinh tế đã mắc “bẫy thanh khoản” thì Bank sẽ hạn chế cho vay và bạn có vay được đâu mà quan tâm lãi suất cao hay thấp. Muốn vay thì chỉ có “vay trên tivi”. Ngoài ra thì nếu bạn biết chỉ 1 tháng nữa bạn sẽ vay được với lãi suất thấp hơn 1-2% thì bạn có vay bây giờ không? Vả lại vay đảo nợ thì cố chứ vay mở rộng kinh doanh thì bán cho ai, vay để mua tài sản thì nó đang rớt đồng loạt biết phải mua cái gì? Tựu chung lại thì lãi suất không có nhiều ý nghĩa vào giai đoạn “vỡ trận”.
Như vậy xét về mức độ tác động của cả 3 yếu tố: Δ Lợi nhuận, Δ Quy mô tiền và Δ Lãi suất đến Giá tài sản tài chính trong 3-6 tháng sau khi chính thức bước vào suy thoái thì “toàn một màu xám xịt”. Đó là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi: Tại sao giai đoạn đầu suy thoái, NHTW giảm lãi suất và bơm tiền tẹt ga nhưng tài sản tài chính vẫn rớt giá không phanh. Nếu “vỡ trận” xảy ra đúng lúc định giá không còn đủ hấp dẫn nữa thì mức độ thảm hại còn ghê gớm hơn.
Tuy nhiên sau đợt suy giảm mạnh 3-6 tháng này thì lại là cơ hội đầu tư rất tốt hàng chục năm mới có 1 lần. Bởi lúc này cả 3 yếu tố Δ Lợi nhuận, Δ Quy mô tiền và Δ Lãi suất đều ủng hộ cho một đợt tăng giá “bốc đầu” ở chứng khoán Việt Nam. Vấn đề là sau cú “rớt đài” thì ai còn “tiền” để cược tiếp mới là chìa khoá.
Chim Lợn vậy thôi chứ theo mình thì Kinh tế Mỹ muốn suy thoái thì vật vờ cũng phải nửa đầu 2025, vậy nên từ giờ đến lúc ấy thì thị trường còn cà giựt chán chê, mọi người vẫn sẽ cẩn trọng “bay lắc” trong quán Bar Chứng Cháo và lâu lâu lén nhìn lên chiếc đồng hồ treo ở góc phòng, tự nhủ khi nào điểm 12 giờ thì mình nhất định phải là thằng chạy đầu tiên. Tuy nhiên về nguyên tắc thì ai cũng biết rõ, chiếc đồng hồ ấy vốn dĩ không bao giờ có kim.
“…….Ở đâu đó lẫn trong tiếng nhạc xập xình của một không gian có phần ngày càng trật trội. Chủ xị lại tiếp tục mang vào những chai Chivas hảo hạng nhất, các cô gái tiếp thêm sinh khí bằng những màn nhảy bốc lửa đến nghẹt thở. Men rượu, khói thuốc cuốn người ta quên hết khỏi lỗi lo rủi ro hiện hữu …… Phảng phất đâu đó vài câu nói lớn tiếng: Chứng khoán còn tăng, ….. Ai sợ thì đi về….., 1…2…3…zô”.
Bài viết này chỉ trả lời câu hỏi trên phương diện học thuật và quy luật vận hành nền kinh tế, không có tính chất khuyến nghị Mua Bán. Tiền của mình thì mình phải tự quyết, không nghe ai cả!
- Thắng nghiện Dữ liệu!
Cảm ơn Báu nhiều nhé. Mong có nhiều hơn nữa các bài viết như thế này. Báu viết rất dễ hiểu.
Tại sao “tỷ giá USDVND sẽ tăng phi mã trong thời gian rất ngắn bởi dòng vốn sẽ dịch chuyển rất mạnh khỏi các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam”. Nếu nền kinh tế Mỹ cho biểu hiện nguy cơ suy thoái và lãi suất giảm, theo em thấy thì dòng vốn phải chảy ngược ra các nước có lãi suất cao hơn chứ ạ, vì Fed cut rate làm giảm DXY thì dòng vốn quay về Mỹ để phòng thủ như thế nào ạ ?