Đừng hiểu lầm cứ bơm tiền là lạm phát
Khi nền kinh tế thế giới đang chịu những tác động nặng nề chưa từng bởi Covid-19 gây ra thì cũng là lúc các quốc gia phải đồng loạt bơm tiền thậm chí là không giới hạn để cứu vớt nền kinh tế của mình. Không ít ý kiến cho rằng điều này sẽ gây ra lạm phát lớn về sau này và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nhưng sự thực thì bơm tiền không đồng nghĩa với lạm phát trong tương lai!
Chúng ta có thể hiểu đơn giản lạm phát là sự mất giá nhanh chóng của đồng tiền, nó là kết quả của sự chênh lệch giữa hàng hóa và cung tiền trong nền kinh tế. Khi tiền quá nhiều trong khi hàng quá ít thì khó tranh khỏi sự khan hiếm của hàng hóa sẽ đẩy giá cả của chúng tăng nhanh và từ đó gây ra lạm phát. Nhưng tại sao việc ngân hàng trung ương bơm tiền lại chưa chắc đã gây ra lạm phát? Câu hỏi này sẽ chỉ được trả lời khi chúng ta mổ xẻ được nguồn gốc của cung tiền.
Trong nền kinh tế, nhiều người cho rằng tiền được tạo ra từ ngân hàng trung ương (NHTW) của các quốc gia, điều này là quan điểm sai lầm, thực tế tiền được tạo ra bởi các khoản vay còn lớn hơn nhiều so với lượng cung ra từ NHTW. Dưới đây là một ví dụ đơn giản:
An gửi 1 tỷ đồng vào ngân hàng Á Châu
Á Châu được phép cho vay 90% tiền gửi của mình (10% là dự trữ bắt buộc mà Ngân hàng trung ương yêu cầu các tổ chức phải giữ lại)
Bình vay 900 triệu từ Á Châu và mua một món hàng từ Hoa
Sau đó Hoa đã gửi 900 triệu vào tài khoản của mình tại ngân hàng BIDV
Và rồi ngân hàng BIDV lại cho một người nào đó vay 810 triệu (10% giữ lại tại két của NHTW), người này sau đó tiêu số tiền đó …..
Như vậy chỉ có 1 tỷ dự trữ trong hệ thống ngân hàng, nhưng hai người gửi tiền là An và Hoa tin rằng họ có tới 1 tỷ 900 triệu trong tài khoản ngân hàng của mình. Kế toán của các ngân hàng xác nhận điều đó. Cung tiền, trong trường hợp này là 1 tỷ 900 triệu mặc dù số tiền thật chỉ là 1 tỷ.
Nếu quá trình đó diễn ra liên tục cho đến khi khả năng cho vay của ngân hàng còn 0 triệu (bởi dự trữ bắt buộc lấy dần) thì 1 tỷ tiền gửi ban đầu đã tạo ra tới 9 tỷ cung tiền. Và nếu như NHTW hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống thấp hơn 10% thì con số cung tiền sẽ không phải là 9 tỷ nữa mà là con số lớn hơn nhiều.
Mặc dù có vẻ như điều này chưa thuyết phục bạn lắm, nhưng sự thực thì đây quy trình hoạt động tiêu chuẩn của tất cả các hệ thống ngân hàng trên thế giới và là một công cụ rất hiệu quả và mạnh mẽ để tạo ra lợi nhuận và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, khi kinh tế gặp cú sốc, tất cả mọi người ồ ạt rút tiền của họ cùng một lúc (hiện tương này còn gọi là bank run), ngân hàng sẽ không có tiền để cung cấp, họ chỉ có 1 tỷ dự trữ ban đầu tại NHTW mà thôi. Lúc này các NHTW sẽ phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất của mình: “Người cho vay cuối cùng”.
Họ sẽ bơm tiền ồ ạt vào hệ thống ngân hàng để các ngân hàng đáp ứng nhu cầu rút vốn của khách hàng. Đây chính là cách mà cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW lớn đang làm ở thời điểm hiện tại. Việt Nam thì chưa phải thực hiện những biện pháp mạnh tay này bởi thanh khoản hệ thống vẫn tương đối dồi dào, thậm chí có những giai đoạn hệ thống dư thừa tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) phải rút ròng tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Vậy các ngân hàng có lấy tiền của NHTW cung cấp để mang đi cho vay? Dĩ nhiên là có, bởi về bản chất khoản vốn này cũng giống như huy động từ dân cư. Họ sẽ mang tiền này đi cho người A vay, người A lại mua hàng hóa người B, người B lại gửi ngân hàng, sau đó ngân hàng lại cho người C vay, ….. vòng lặp cứ thế lặp đi lặp lại và rồi lượng tiền NHTW bơm ra sẽ được thổi phồng lên thành một lượng cung tiền khổng lồ, hậu quả tất yêu là tiền nhiều hơn hàng và gây ra lạm phát.
Tuy nhiên chúng ta cần phải chú ý. Sự thổi phồng từ lượng tiền gửi 1 tỷ ban đầu lên 9 tỷ bị phụ thuộc vào 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà NHTW công bố, thứ hai là tỷ lệ dự trữ vượt mức mà các ngân hàng để lại tại NHTW và thứ ba là sở thích nắm giữ tiền mặt của người dân. Như vậy, tốc độ thổi phồng lượng tiền trong nền kinh tế sẽ bị tác động một phần bởi ý chí của NHTW, ý chỉ của các ngân hàng thương mại và cuối cùng chính là ý chí của người dân.
Quay trở lại với tình hình kinh tế hiện tại, chúng ta không khó để thấy rằng hầu hết các quốc gia đang mắc bẫy suy kiệt tín dụng, tức là các ngân hàng thương mại không muốn cho vay, họ giữ tiền trong két của mình một phần để dự phòng rủi ro, một phần vì không còn tin tưởng các đơn vị vay vốn. Tiền lúc này kẹt trong hệ thống nên không thể tăng cung tiền. Và dĩ nhiên cũng không có lạm phát.
Còn đối với người dân lúc này, suy nghĩ đầu tiên của họ không còn là gửi ngân hàng nữa mà là nằm giữ tiền mặt hoặc tài sản trú ẩn như vàng, ngoại tệ,… Tiền không chảy ngược lại hệ thống ngân hàng mà nằm trong dân, một lần nữa cung tiền lại bị “tiêu diệt” tại đây. Dĩ nhiên không thể có lạm phát.
Vậy khi nền kinh tế phục hồi trở lại, các ngân hàng sẵn sàng cho vay, tín dụng được lưu thông, lạm phát sẽ quay trở lại? Dĩ nhiên là có nếu NHTW không can thiệp, nhưng thực tế họ sẽ can thiệp và họ có đầy đủ công cụ để can thiệp.
Công cụ đầu tiên là mà họ sẽ sử dụng là tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt mức của các ngân hàng thương mại tại NHTW. Lãi suất này nếu đủ hấp dẫn thì các ngân hàng thương mại sẽ gửi tiền tại NHTW thay vì đưa ra nền kinh tế, cung tiền lúc này lại bị bót nghẹt. Đây chính là cách mà Fed đã sử dụng rất hiệu quả trong giai đoạn 2010 đến 2019 với công cụ lãi suất dự trữ vượt mức (IOER) và đây cũng là cách mà SBV của chúng ta đã thực hiện trong lần thay đổi lãi suất vừa rồi.
Công cụ thứ hai mạnh mẽ hơn đó là tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc. Với chính sách này thay vì khuyến khích các ngân hàng thương mại gửi tiền tại mình, NHTW ép các ngân hàng thương mại phải làm điều đó. Công cụ này sẽ triệt tiêu cung tiền rất nhanh mà hoàn toàn nằm trong quyền chủ động của NHTW. Chính vì là công cụ mạnh nhất và cứng rắn nên dự trữ bắt buộc ít được các NHTW sử dụng nhất.
Công cụ thứ ba là một công cụ có tính chất hành chính nhưng lại được SBV sử dụng thường xuyên là “đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng”. Với công cụ này NHTW sẽ đặt cho mỗi nhóm ngân hàng hoặc tất cả các ngân hàng một hạn mức tăng trưởng tín dụng, ví dụ: 15%/ năm chẳng hạn. Các ngân hàng bị giới hạn chỉ được phép cho vay đến hạn mức này, điều này gián tiếp làm ngưng lại quá trình quay vòng tiền, triệt tiêu cùng tiền tương lại.
Công cụ cuối cùng, phát hành tín phiếu bắt buộc. Đây là công cụ mang tính phi thị trường nhưng nó đã được SBV sử dụng nhiều lần và từng được nhắc tới vào cuối năm 2019 khi lượng tiền trong hệ thống quá nhiều. Với công cụ này, các ngân hàng thương mại sẽ phải sử dụng lượng tiền của mình để mua tín phiếu NHNN thay vì cho vay hoặc mua tài sản tài chính, cung tiền lúc này cũng sẽ bị triệt tiêu.
Như vậy, khi một lượng tiền được bơm qua hệ thống ngân hàng thì ngân hàng nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát một cách chủ động hoặc thụ động với lượng cung tiền trong nền kinh tế. Hay nói cách khác, bơm tiền không đồng nghĩa với lạm phát.